Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2012

Làng nghề


Nghề sơn mài truyền thống tại Bình Dương
Bình Dương, trong tiến trình phát triển vùng đất mang đậm nét văn hoá làng nghề thủ công truyền thống. Sơn mài là một trong những làng nghề nổi tiếng, đã định vị trên địa bàn hơn 300 năm. Từ lối chế tác cha truyền con nối, các lớp nghệ nhân luôn dày công gởi cả tâm huyết để dần hoàn thiện thành tác phẩm sơn mài nghệ thuật lừng danh, với vẽ đẹp lộng lẫy và sâu lắng.
Làng Tương Bình Hiệp – chiếc nôi nghề sơn mài Bình Dương
Các nghề thủ công truyền thống sơn mài, chạm khắc, đồ mộc đã có từ rất sớm và phát triển mạnh ở đất Thủ – Bình Dương, vùng được định hình và phát triển nghề chủ yếu ở thị xã Thủ Dầu Một (Chánh Nghĩa, Phú Cường, Tương Bình Hiệp, Tân An, Định Hòa). Chiếc nôi nghề sơn mài Bình Dương là làng Tương Bình Hiệp.
Theo tư liệu lịch sử – “Gia Định Thành Thống Chí” của Trịnh Hoài Đức, thì nghề sơn mài ở Bình Dương có từ thế kỷ XVII, do di dân từ miền Trung, miền Bắc mang theo vào vùng đất mới. Sau thời gian khai khẩn đất đai, đồng áng, sinh cơ lập nghiệp, họ đã thực hiện những bức tranh sơn mài đầu tiên – chủ yếu quét sơn vẽ tranh cảnh. Những bức vẽ cây đa, bến nước, mái đình, tre làng, … được tái hiện trên tranh giúp họ vơi đi nổi nhớ quê nhà… 

Bức tranh vẽ cảnh sinh hoạt đồng quê
Làng Sơn mài được biết đến nhiều và tiêu biểu nhất ở Bình Dương, là làng sơn mài Tương Bình Hiệp ra đời vào thế kỷ XVIII. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí có ghi: “… ở làng Thủ Dầu Một, dân chúng có nghề làm sơn theo kiểu cổ khá thịnh vượng…”. Người Bình Dương thời ấy đã sớm nhận ra lợi thế của vùng đất này đã dần hình thành nên làng thủ công đặc sắc. Với nguồn nguyên liệu gỗ các loại, kết hợp với sơn dầu Phú Thọ – một loại nhựa có màu sắc đẹp, lạ, bóng, bền đã tạo nên lớp men đen bóng cho những tác phẩm đơn giản ban đầu mà nghệ nhân đã không ngừng hoàn thiện kỹ thuật đã đào tạo lớp kế thừa nghề cổ truyền và phát triển lâu dài trong xã hội.
Dưới thời thuộc Pháp năm 1901, thực dân Pháp cho mở trường dạy nghề Mỹ nghệ gọi là Trường Bá nghệ thực hành Thủ Dầu Một, để phục vụ công tác khai phá thuộc địa. Từ đó, nghề thủ công mỹ nghệ có thêm đội ngũ thợ lành nghề được đào tạo chính quy, đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử phát triển của các nghề thủ công cổ truyền ở Bình Dương.
Đầu Thế kỷ XX các nhóm thợ “Thủ” tập trung tại làng Tương Bình Hiệp – Phú Cường chủ yếu là sản xuất các mặt hàng sơn mài và điêu khắc gỗ. Tên tuổi các thợ Xù Nhồng, Phèn, Dựa được vang danh khắp nơi, cùng lớp nghệ nhân trẻ có học vấn, tốt nghiệp ở các trường mỹ thuật như Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương, mỹ thuật Gia Định, Biên Hòa, Thủ Dầu Một.
Theo số liệu thống kê năm 1945, ở Bình Dương có 10 cơ sở sản xuất sơn mài. Riêng làng Tương Bình Hiệp có hơn 300 hộ gia đình làm nghề. Đặc biệt, xưởng sơn mài Thành Lễ thành lập 1943 là cơ sở sản xuất lớn nhất thời bấy giờ tạo tiếng tăm trong và ngoài nước.
 
Tranh sơn mài khảm xà cừ
Đỉnh cao của sơn mài Bình Dương ở thời điểm 1945 – 1975. Sự ra đời của xưởng sơn mài Thành Lễ, do hai nghệ nhân Trương Văn Thành và Nguyễn Văn Lễ sáng lập. Xưởng lúc bấy giờ quy tụ được nhiều nghệ nhân nổi tiếng trong vùng như Thái Văn Ngôi, Ngô Từ Sâm, Trần Văn Nam… hàng sơn mài giai đoạn này xuất khẩu sang các nước Châu Âu, có giá trị thương mại lớn. Hàng sơn mài thời này đạt đỉnh cao về số lượng, với trình độ mỹ thuật và chất lượng nghệ thuật, sự đa dạng phong phú. Đó là thời vàng son nhất của ngành sơn mài. Tại hội chợ Munich (Đức) 1964, sản phẩm được tặng huy chương vàng, hội chợ công thương sài gòn 1974, triển lãm kinh tế, khoa học kỹ thuật toàn quốc năm 1975 sơn mài Bình Dương được huy chương vàng.
Sơn mài – sản phẩm truyền thống độc đáo, lắm công phu
Sơn mài Bình Dương nổi tiếng được khách hàng ưa chuộng, bởi từ nguyên liệu gỗ đến khâu cuối cùng của sản phẩm phải trải qua quá trình 25 công đoạn, mỗi công đoạn đòi hỏi một nghệ thuật riêng tỷ mỉ và công phu. Một qui trình sơn mỗi sản phẩm phải mất từ 3 đến 6 tháng mới đảm bảo yêu cầu chất lượng.
Năm 1975 đến nay, sau nhiều biến đổi, ngành sơn mài ổn định và phát triển. Sơn mài cổ điển vẫn được ưa chuộng, thêm vào đó hàng loạt các mẫu mã hiện đại, phù hợp với yêu cầu cơ chế thị hiếu mới.
Trải qua nhiều thế hệ, sơn mài trên vùng đất Bình Dương vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, đó là sự tinh xảo, nhẹ nhàng thanh thoát, đậm đà tính cách Á đông. Ngày nay, các cơ sở tại làng sơn mài Tương Bình Hiệp có khả năng sản xuất khá đa dạng các sản phẩm sơn mài, từ những bức tranh nghệ thuật đến các loại tủ, bàn ghế… Bên cạnh các loại tranh sơn mài, còn có các sản phẩm sơn mài để sử dụng và trang trí như: bình, lọ, dĩa, vòng tay, hộp… Sản phẩm sơn mài nói chung có rất nhiều phương pháp thể hiện như: sơn mài sơn lộng, sơn mài vẽ mỏng, sơn mài khoét trũng, sơn mài đắp nổi, sơn mài cẩn trứng, sơn mài cẩn xà cừ, cẩn ốc… sự đa dạng về sản phẩm, về sự kết hợp sơn mài với các chất liệu khác như gốm, tre... có nhiều xưởng sản xuất, xuất khẩu hàng sơn mài như các xí nghiệp Thành Lễ, Đồng Tâm, Hùng Hương…

 Tranh sơn mài cẩn trứng
Với bề dày truyền thống và lịch sử phát triển vùng đất hơn 300 năm, nghề sơn mài trên đất Bình Dương vẫn giữ vững đậm đà bản sắc dân tộc. Ngày nay, sự phát triển về khoa học công nghệ, nghề sơn mài với sự kế thừa truyền thống kết hợp với hiện đại đã góp phần tạo nên tính đa dạng mẫu mã, phong phú về chất liệu… Sơn mài đã và đang là nguồn cảm hứng thẫm mỹ của các thế hệ nghệ nhân tài hoa, là tiếng nói nghệ thuật mang tính nhân bản cho bạn bè trong nước và thế giới hiểu thêm về bản sắc độc đáo của văn hóa dân gian Việt Nam.
Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp không những là niềm tự hào của bao thế hệ nơi đây, mà còn là một nét văn hóa truyền thống đặc trưng của vùng đất đáng trân trọng. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, các cấp các ngành, cùng với sự đồng lòng của nghệ nhân, người thợ, doanh nghiệp yêu nghề. Ngày 29/8/2006, Hiệp hội Sơn mài – Điêu khắc Bình Dương được thành lập tại Quyết định số: 3838/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương. Hiệp hội sẽ là cầu nối quan trọng, góp phần gìn giữ và phát huy thế mạnh nghề truyền thống sơn mài ở Bình Dương.

Điều kiện tự nhiên

Bình Dương là một tỉnh thuộc miền Đông Nam Bộ, diện tích tự nhiên 2.695,22km2 (chiếm khoảng 0,83% diện tích cả nước, khoảng 12% diện tích miền Đông Nam Bộ). Dân số 1.482.636 người (1/4/2009), mật độ dân số khoảng 550 người/km2.
Địa hình
Bình Dương là một tỉnh nằm ở vị trí chuyển tiếp giữa sườn phía nam của dãy Trường Sơn, nối nam Trường Sơn với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; là tỉnh bình nguyên có địa hình lượn sóng yếu từ cao xuống thấp dần từ 10m đến 15m so với mặt biển. Vị trí trung tâm của tỉnh ở vào tọa độ địa dư từ 10o-50’-27’’ đến 11o-24’-32’’ vĩ độ bắc và từ 106o-20’ đến 106o25’ kinh độ đông.
Vùng đất Bình Dương tương đối bằng phẳng, thấp dần từ bắc xuống nam. Nhìn tổng quát, Bình Dương có nhiều vùng địa hình khác nhau: vùng địa hình núi thấp có lượn sóng yếu, vùng có địa hình bằng phẳng, vùng thung lũng bãi bồi ... Có một số núi thấp, như núi Châu Thới (huyện Dĩ An), núi Cậu (còn gọi là núi Lấp Vò) ở huyện Dầu Tiếng… và một số đồi thấp.
Các quy luật tự nhiên tác động lên vùng đất này tạo nên nhiều dạng địa mạo khác nhau: có vùng bị bào mòn, có vùng tích tụ (do có sự lắng đọng của các vật liệu xâm thực theo dòng chảy), có vùng vừa bị bào mòn, vừa tích tụ và lắng đọng. Nguyên nhân chủ yếu là do nước mưa và dòng chảy tác động trên mặt đất, cộng với sự tác động của sức gió, nhiệt độ, khí hậu, sự sạt lở và sụp trượt vì trọng lực của nền địa chất. Các sự tác động này diễn ra lâu dài hàng triệu năm.
Đất đai
Đất đai Bình Dương rất đa dạng và phong phú về chủng loại:
+ Đất xám trên phù sa cổ, có diện tích 200.000 ha phân bố trên các huyện Dầu Tiếng, Bến Cát, Thuận An, thị xã Thủ Dầu Một. Loại đất này phù hợp với nhiều loại cây trồng, nhất là cây công nghiệp, cây ăn trái.
+ Đất nâu vàng trên phù sa cổ, có khoảng 35.206 ha nằm trên các vùng đồi thấp thoải xuống, thuộc các huyện Tân Uyên, Phú Giáo, khu vực thị xã Thủ Dầu Một, Thuận An và một ít chạy dọc quốc lộ 13. Đất này có thể trồng rau màu, các loại cây ăn trái chịu được hạn như mít, điều.
+ Đất phù sa Glây (đất dốc tụ), chủ yếu là đất dốc tụ trên phù sa cổ, nằm ở phía bắc huyện Tân Uyên, Phú Giáo, Bến Cát, Dầu Tiếng, Thuận An, Dĩ An; đất thấp mùn Glây có khoảng 7.900 ha nằm rải rác tại những vùng trũng ven sông rạch, suối. Đất này có chua phèn, tính axít vì chất sunphát sắt và alumin của chúng. Loại đất này sau khi được cải tạo có thể trồng lúa, rau và cây ăn trái, v.v...
Khí hậu
Khí hậu ở Bình Dương cũng như chế độ khí hậu của khu vực miền Đông Nam Bộ: nắng nóng và mưa nhiều, độ ẩm khá cao. Đó là khí hậu nhiệt đới gió mùa ổn định, trong năm phân chia thành hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 kéo dài đến cuối tháng 10 dương lịch.
Vào những tháng đầu mùa mưa, thường xuất hiện những cơn mưa rào lớn, rồi sau đó dứt hẳn. Những tháng 7,8,9, thường là những tháng mưa dầm. Có những trận mưa dầm kéo dài 1-2 ngày đêm liên tục. Đặc biệt ở Bình Dương hầu như không có bão, mà chỉ bị ảnh hương những cơn bão gần.
Nhiệt độ trung bình hàng năm ở Bình Dương từ 26oC-27oC. Nhiệt độ cao nhất có lúc lên tới 39,3oC và thấp nhất từ 16oC-17oC (ban đêm) và 18oC vào sáng sớm. Vào mùa nắng, độ ẩm trung bình hàng năm từ 76%-80%, cao nhất là 86% (vào tháng 9) và thấp nhất là 66% (vào tháng 2). Lượng nước mưa trung bình hàng năm từ 1.800-2.000mm. Tại ngã tư Sở Sao của Bình Dương đo được bình quân trong năm lên đến 2.113,3mm.
Thủy văn, sông ngòi
Chế độ thủy văn của các con sông chảy qua tỉnh và trong tỉnh Bình Dương thay đổi theo mùa: mùa mưa nước lớn từ tháng 5 đến tháng 11 (dương lịch) và mùa khô (mùa kiệt) từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau, tương ứng với 2 mùa mưa nắng. Bình Dương có 3 con sông lớn, nhiều rạch ở các địa bàn ven sông và nhiều suối nhỏ khác.
Sông Đồng Nai là con sông lớn nhất ở miền Đông Nam Bộ, bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên (Lâm Đồng) dài 635 km nhưng chỉ chảy qua địa phận Bình Dương ở Tân Uyên. Sông Đồng Nai có giá trị lớn về cung cấp nước tưới cho nền nông nghiệp, giao thông vận tải đường thủy và cung cấp thủy sản cho nhân dân.
Sông Sài Gòn dài 256 km, bắt nguồn từ vùng đồi cao huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước). Sông Sài Gòn có nhiều chi lưu, phụ lưu, rạch, ngòi và suối. Sông Sài Gòn chảy qua Bình Dương về phía Tây, đoạn từ Lái Thiêu lên tới Dầu Tiếng dài 143 km, độ dốc nhỏ nên thuận lợi về giao thông vận tải, về sản xuất nông nghiệp, cung cấp thủy sản. Ở thượng lưu, sông hẹp (20m) uốn khúc quanh co, từ Dầu Tiếng được mở rộng dần đến thị xã Thủ Dầu Một (200m).
Sông Thị Tính là phụ lưu của sông Sài Gòn bắt nguồn tự đồi Cam xe huyện Bình Long (tỉnh Bình Phước) chảy qua Bến Cát, rồi lại đổ vào sông Sài Gòn ở đập Ông Cộ. Sông Sài Gòn, sông Thị Tính mang phù sa bồi đắp cho những cánh đồng ở Bến Cát, thị xã, Thuận An, cùng với những cánh đồng dọc sông Đồng Nai, tạo nên vùng lúa năng suất cao và những vườn cây ăn trái xanh tốt.
Sông Bé dài 360 km, bắt nguồn từ các sông Đắc RơLáp, Đắc Giun, Đắc Huýt thuộc vùng núi tỉnh Đắc Lắc hợp thành từ độ cao 1000 mét. Ở phần hạ lưu, đoạn chảy vào đất Bình Dương dài 80 km. Sông Bé không thuận tiện cho việc giao thông đường thủy do có bờ dốc đứng, lòng sông nhiều đoạn có đá ngầm, lại có nhiều thác ghềnh, tàu thuyền không thể đi lại.
Giao thông
Bình Dương là một tỉnh có hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy rất quan trọng nối liền giữa các vùng trong và ngoài tỉnh. Trong hệ thống đường bộ, nổi lên đường quốc lộ 13 – con đường chiến lược cực kỳ quan trọng xuất phát từ thành phố Hồ Chí Minh, chạy suốt chiều dài của tỉnh từ phía nam lên phía bắc, qua tỉnh Bình Phước và nối Vương quốc Campuchia đến biên giới Thái Lan. Đây là con đường có ý nghĩa chiến lược cả về quân sự và kinh tế.
Đường quốc lộ 14, từ Tây Ninh qua Dầu Tiếng đi Chơn Thành, Đồng Xoài, Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) xuyên suốt vùng Tây Nguyên bao la, là con đường chiến lược quan trọng cả trong chiến tranh cũng như trong thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước. Ngoài ra còn có liên tỉnh lộ 1A từ Thủ Dầu Một đi Phước Long (Bình Phước); Liên tỉnh lộ 13 từ Chơn Thành đi Đồng Phú, Dầu Tiếng; liên tỉnh lộ 16 từ Tân Uyên đi Phước Vĩnh; lộ 14 từ Bến Cát đi Dầu Tiếng ... và hệ thống đường nối thị xã với các thị trấn và điểm dân cư trong tỉnh.
Về hệ thống giao thông đường thủy, Bình Dương nằm giữa 3 con sông lớn, nhất là sông Sài Gòn. Bình Dương có thể nối với các cảng lớn ở phía nam và giao lưu hàng hóa với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Tài nguyên rừng
Do đặc điểm khí hậu nhiệt đới ẩm và đất đai màu mỡ, nên rừng ở Bình Dương xưa rất đa dạng và phong phú về nhiều chủng loài. Có những khu rừng liền khoảnh, bạt ngàn. Rừng trong tỉnh có nhiều loại gỗ quý như: căm xe, sao, trắc, gõ đỏ, cẩm lai, giáng hương ... Rừng Bình Dương còn cung cấp nhiều loại dược liệu làm thuốc chữa bệnh, cây thực phẩm và nhiều loài động vật, trong đó có những loài động vật quý hiếm.
Hiện nay, rừng Bình Dương đã bị thu hẹp khá nhiều do bị bom đạn, chất độc hóa học của giặc Mỹ tàn phá trong chiến tranh. Trong những năm tháng chiến tranh diễn ra ác liệt, Mỹ-ngụy đã ủi phá rừng, bứng hết cây cối nhằm tạo thành những “vùng trắng”, đẩy lực lượng cách mạng ra xa căn cứ càng làm cho rừng thêm cạn kiệt. Mặt khác, sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, việc khai thác rừng bừa bãi cũng làm cho rừng bị thu hẹp.
Tài nguyên khoáng sản
Cùng với những giá trị quý giá về tài nguyên rừng, Bình Dương còn là một vùng đất được thiên nhiên ưu đãi chứa đựng nhiều loại khoáng sản phong phú tiềm ẩn dưới lòng đất. Đó chính là cái nôi để các ngành nghề truyền thống ở Bình Dương sớm hình thành như gốm sứ, điêu khắc, mộc, sơn mài ...
Bình Dương có nhiều đất cao lanh, đất sét trắng, đất sét màu, sạn trắng, đá xanh, đá ong nằm rải rác ở nhiều nơi, nhưng tập trung nhất là ở các huyện: Tân Uyên, Thuận An, Dĩ An, thị xã Thủ Dầu Một.
Các nhà chuyên môn đã phát hiện ở vùng Đất Cuốc (huyện Tân Uyên) có một mỏ cao lanh lớn phân bố trên một phạm vi hơn 1km2, với trữ lượng lớn. Đất cao lanh ở đây được đánh giá là loại đất tốt, có thể sử dụng trong nghề gốm và làm các chất phụ gia cho việc sản xuất một số sản phẩm công nghiệp...

Định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020


Định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020
Quan điểm phát triển
Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Dương đến năm 2020 nhằm xây dựng Bình Dương thành một tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, toàn diện đảm bảo mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, xoá đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Tập trung khai thác lợi thế về vị trí địa lý, sự hợp tác của các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cực hạt nhân phát triển là thành phố Hồ Chí Minh để phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động hội nhập quốc tế; nâng cao hiệu quả kinh tế gắn với phát triển xã hội trên cơ sở đầu tư có trọng điểm; xây dựng mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ; phát triển công nghiệp gắn với phát triển đô thị và dịch vụ; phát triển kinh tế xã hội kết hợp chặt chẽ với bảo vệ môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh vững mạnh trên địa bàn.
 
 Mục tiêu phát triển
 
Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ. Tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; chú trọng phát triển dịch vụ nhà ở, đào tạo phát triển nguồn nhân lực và chăm sóc sức khoẻ. Hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hoá và tạo ra sự phát triển cân đối, bền vững giai đoạn sau năm 2015;
 
Xây dựng Bình Dương thành một tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, toàn diện đảm bảo mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, xoá đói giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.


Các chỉ tiêu kinh tế cụ thể:  
- Cơ cấu kinh tế: phát triển và chuyển dịch theo hướng nâng cao tỷ trọng của các ngành công nghiệp, dịch vụ trong tổng GDP: 
 
Năm 2010
Năm 2015
Năm 2020
Quy mô dân số (triệu người)
1,2
1,6
2,0
Thu nhập bình quân đầu người (triệu đồng/người giá so  sánh   năm 2005)
30
52
89,6
Thu nhập bình quân đầu người (USD/người quy ra USD theo giá so sánh năm 2005)
2.000
4.000
5.800
Cơ cấu kinh tế: nông, lâm, ngư nghiệp - công nghiệp - dịch vụ
4,5% -65,5% - 30%
3,4% - 62,9% - 33,7%
2,3% - 55,5% - 42,2%
   
- Cơ cấu lao động chuyển dịch cùng với cơ cấu kinh tế theo hướng giảm lao động làm việc trong các ngành có năng suất thấp sang các ngành có năng suất, hiệu quả cao hơn:
 
 
Năm 2010
Năm 2015
Năm 2020
Ngành nông, lâm, ngư nghiệp
20%
14%
10%
Công nghiệp – xây dựng
45%
48%
45%
Dịch vụ
35%
38%
45%
 
-Tốc độ tăng trưởng bình quân của các ngành, lĩnh vực (%/năm):
 
 
2011 - 2015
2016 - 2020
2006 - 2020
 GDP
14,9
13
14,3
Nông, lâm nghiệp, thủy sản
3,4
3,6
3,4
Công nghiệp, xây dựng
14,5
12,3
14,5
Dịch vụ
16,5
16,1
16,0
 
- Kim ngạch xuất - nhập khẩu (triệu USD):
 
 
Năm 2010
Năm 2015
Năm 2020
Kim ngạch xuất khẩu
8.662
14.000
25.000
Kim ngạch nhập khẩu
7.527
10.000
15.000
Tổng cộng
16.189
24.000
25.000
 
 
 Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị với quy mô 4200 ha đang được xây dựng
 
Một số chỉ tiêu văn hóa – xã hội:
 
 
Năm 2010
Năm 2015
Năm 2020
Tỷ lệ thất nghiệp
Dưới 4,4%
4,2%
4%
Lao động qua đào tạo
 
 
Trên 70%
Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng
Dưới 10%
Không còn
 
Tuổi thọ trung bình
75
77
80
Số cán bộ y tế (CBYT)/vạn dân
27 (có 8 bác sĩ)
38 (có 15 bác sĩ)
55 (có 30 bác sĩ)
Số trường trung học cơ sở ở mỗi xã, phường
Ít nhất 1
 
 
Mật độ điện thoại (số máy/100 dân)
42
50
60
 
Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa:
 
- Tỷ lệ đô thị hoá đạt 40% năm 2010, tăng lên 50% năm 2015 và đạt 75% năm 2020. Dự báo, dân số đô thị năm 2010 là 480 nghìn người, năm 2020 là 1,5 triệu người. Phấn đấu đưa tỉnh Bình Dương trở thành đô thị loại I, trực thuộc Trung ương vào năm 2020. Không gian thành phố Bình Dương kết nối với thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Biên Hoà trở thành đại đô thị của cả nước.
- Năm 2020, dự kiến toàn Tỉnh có 31 khu công nghiệp với tổng diện tích 9.360,5 ha và 23 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.704 ha.
 
Kết cấu hạ tầng kỹ thuật:
 
- Giao thông: Phát triển giao thông đường bộ theo hướng kết nối với hệ thống quốc lộ hiện đại tầm cỡ khu vực, với sân bay quốc tế và cụm cảng biển Thị Vải - Vũng Tàu và hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác. Tập trung phát triển các trục giao thông đường bộ từ đại lộ Bình Dương đi cửa khẩu Hoa Lư, từ đại lộ Bình Dương đi Đồng Xoài, từ đại lộ Bình Dương đi Dầu Tiếng, đường cao tốc Mỹ Phước - Tân Vạn. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải xây dựng các trục cắt ngang: Vành đai 3, Vành đai 4, đường Thường Tân - Tân Hưng - Hưng Hòa... Đối với giao thông đường thuỷ: tiếp tục nạo vét luồng lạch sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Thị Tính; cải tạo, nâng cấp và xây dựng hệ thống cảng phục vụ vận chuyển, du lịch và dân sinh.
 
- Cấp điện, cấp nước: Đầu tư đồng bộ nâng cấp, xây mới hệ thống cấp điện, cấp nước đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân, đặc biệt là ở các khu công nghiệp và đô thị tập trung. Tốc độ tăng trưởng điện năng tăng trung bình 24%/năm giai đoạn 2006 - 2010 và giảm xuống còn 13%/năm giai đoạn 2011- 2015. Tổng nhu cầu điện năng tiêu thụ 6.700 GWh đến năm 2010 và 12.400 GWh đến 2015. Thành phần phụ tải cho sản xuất và tiêu dùng khoảng 20% thời kỳ đến 2015 và 18% thời kỳ đến 2020. Thành phần phụ tải phục vụ phát triển các ngành dịch vụ khoảng 36% thời kỳ 2006 - 2015 và ổn định 30% thời kỳ sau 2015. Đến năm 2010, ngành nước phải xử lý 247.000 m3/ngày đêm và đến năm 2020 xử lý 462.000 m3/ngày đêm. Bảo đảm 95 - 97% hộ nông thôn được dùng điện và nước sạch năm 2010 và tỷ lệ này đạt 100% vào năm 2020.
 
- Thông tin liên lạc: Phát triển ngành bưu chính viễn thông hiện đại, đồng bộ theo tiêu chuẩn kỹ thuật số hoá và tự động hoá nhằm bảo đảm thông tin thông suốt toàn tỉnh, gắn kết với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
 

 
 (Theo Quyết định số 81/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ

Thành phố mới Bình Dương


Thành phố mới Bình Dương

I. Giới thiệu:
Để đảm bảo phát triển theo đúng đề án đã được phê duyệt, Khu đô thị mới khoảng 1.000 ha trong Khu liên hợp được quy hoạch thành một khu đô thị văn minh, hiện đại, trở thành quận trung tâm của thành phố Bình Dương trực thuộc trung ương trong tương lai theo định hướng quy hoạch đến năm 2020.

Đặc biệt nơi đây đã được Tỉnh Ủy, Ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất chọn làm trung tâm hành chánh tập trung của Tỉnh. Nhằm hoàn thiện quy hoạch chi tiết 1/500 cho Khu đô thị mới theo mô hình hiện đại, tiên tiến, Becamex IDC đã mời đơn vị tư vấn nước ngoài là Viện nghiện cứu thiết kế thuộc trường đại học quốc gia Singapore (NUS) để triển khai quy hoạch chi tiết.
Tháng 6 năm 2009 Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 theo quyết định số 2273/QĐ-UBND. Tháng 7 năm 2009 Tổng Công ty Becamex đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thực hiện dự án khu đô thị mới thuộc khu liên hợp theo quyết định số 2717/QĐ-UBND.
 
II. Vị trí:
Bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Bình Dương
Phường Phú Mỹ, xã Định Hòa thuộc Thị xã Thủ Dầu Một, xã Phú Chánh, xã Tân Hiệp, xã Tân Vĩnh Hiệp thuộc huyện Tân Uyên, xã Hòa Lợi huyện Bến Cát tỉnh Bình Dương.

Theo quy hoạch 1/500, Khu đô thị mới Bình Dương sẽ bao gồm các hạng mục:

1. Khu trung tâm hành chính tập trung của Thành phố Bình Dương, tạo thành nét mới trong việc cải cách quản lý hành chính nhằm phục vụ hiệu quả hơn cho người dân;
2. Khu công viên công nghệ kỹ thuật cao;
3. Trung tâm tài chính, ngân hàng, chứng khoán;
4. Văn phòng cho thuê, nhà hàng – khách sạn cao cấp;
5. Trung tâm hội nghị, triển lãm quốc tế, trường đại học;
6. Các khu phục vụ cộng đồng như: quảng trường, công viên, hồ sinh thái, trung tâm văn hóa, nhà trẻ, bệnh viện;
7. Các công trình hạ tầng kỹ thuật: đường.

Khu đô thị mới sẽ là trung tâm chính trị - kinh tế, văn hóa, xã hội của toàn tỉnh. Một trung tâm đô thị hiện đại, năng động, bền vững với đầy đủ các loại hình phát triển phục vụ cho khoảng trên 125.000 người định cư lâu dài và hơn 400.000 người thường xuyên đến làm việc. Để thực hiện theo quy hoạch trên, Becamex IDC đã xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, hệ thống giao thông công cộng được kết nối dễ dàng với các tỉnh, thành lân cận, đồng thời tổ chức tiếp thị mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp trong và ngoài nước có uy tín, kinh nghiệm, kỹ thuật, tiềm lực tài chính tham gia đầu tư các hạng mục thứ cấp vào Khu đô thị.

Khi hoàn thành xây dựng, khu đô thị mới này sẽ trở thành một thành phố thương mại, công nghệ và dịch vụ, đáp ứng được các mục tiêu sau:
·         +Thành phố mới phát triển dựa trên các tiêu chuẩn thiết kế đô thị hiện đại thân thiện với môi trường;
·         +Cung cấp những dịch vụ tốt nhất;
·         +Mô hình phát triển dựa trên các ý tưởng thiết kế mới và công nghệ mới nhằm thu hút các loại hình dịch vụ mới công nghệ cao.

 
Design by Wordpress Theme | Bloggerized by Free Blogger Templates | JCPenney Coupons